Cách Điều Chỉnh pH Cho Hồ Thủy Sinh Hiệu Quả Và An Toàn

Độ pH là một khái niệm mà chắc hẳn ai cũng đã từng một lần nghe qua, đặc biệt đối với những người chơi thủy sinh thì độ pH là một thông số quan trọng giúp đánh giá chất lượng nước để có thể nuôi dưỡng được các sinh vật trong hồ thủy sinh thật khỏe mạnh và phát triển tốt nhất. Vậy độ pH lý tưởng cho một hồ thủy sinh là bao nhiêu? Làm thế nào để điều chỉnh độ pH trong hồ một cách hiệu quả và an toàn nhất? Hãy cùng Thủy Sinh Ylang tìm câu trả lời nhé!

1. Độ pH lý tưởng cho hồ thủy sinh

1.1. Độ pH là gì?

pH là chỉ số đo độ hoạt động của các ion (H+) trong dung dịch bất kỳ, nói cách khác pH là độ axít hay bazơ của dung dịch. Nước có độ pH = 7 là trung tính. Nước có giá trị pH < 7 được coi là có tính axít, trong khi các giá trị pH > 7 được coi là có tính kiềm.

Nhiều loại cá cảnh, tép cảnh chỉ thích nghi và sinh sống ở những độ pH nhất định. Tương tự như vậy, nhiều cây thủy sinh cũng sinh trưởng tốt trong độ pH nào đó. Không có một độ pH nào là hoàn hảo cho một hồ thủy sinh, vì bất cứ hồ thủy sinh nào cũng là một hệ sinh thái bao gồm nhiều loại động, thực vật. Tuy nhiên, pH hợp lý cho môi trường thủy sinh là từ 5 – 8. pH dưới 5 thì nhiều cây bị rữa lá, cá tép chết, còn pH hơn 8 thì chỉ phù hợp cho một số cá tép đặc biệt như tép sula, cá ali…

Thang đo độ pH

1.2. Độ pH nào là lý tưởng cho hồ thủy sinh?

Độ pH liên quan trực tiếp đến 2 yếu tố khác trong hồ thủy sinh, đó là VI SINH và DINH DƯỠNG.

1.2.1. Mối liên hệ giữa pH và hệ vi sinh

  • Những hồ pH cao từ 7 trở lên thì hệ vi sinh phát triển cực mạnh, và nước sẽ rất trong. Nếu các bạn để ý thì những hồ có san hô, sỏi 3 màu, vỏ ốc lẫn trong sỏi trải nền, hồ có nhiều đá như đá tai mèo.. thì nước sẽ rất trong. Đây là dấu hiệu của hệ vi sinh phát triển mạnh mẽ. Cả những hồ nước biển cũng vậy, nước trong hơn nước của đa số hồ thủy sinh nhiều.
  • Những hồ có pH từ 6 trở xuống thì hệ vi sinh phát triển yếu hơn, 1 số chủng loại vi sinh có lợi không thể sinh sôi và phát triển được. Vì vậy hồ có pH thấp thường dễ bị vấn đề về hệ vi sinh và dễ bùng phát rêu hại hơn.

1.2.2. Mối liên hệ giữa pH và dinh dưỡng

  • Hồ có pH từ 7 trở lên thì những chất đa lượng sẽ dễ hấp thụ hơn (N, P, K, Ca, Mg, S), nhưng từ 7.5 trở lên thì vi lượng như sắt, Mn, B… sẽ khó tồn tại trong nước, đây là lý do hồ pH cao thường bị hiện tượng cây mất màu từ ngọn (thiếu Fe).
  • Hồ có pH từ 6 trở xuống thì lượng vi lượng sẽ cực mạnh, điển hình là Fe, Mangan, Boron và Cu, nhưng đa lượng N, P, K, Ca, Mg sẽ rất yếu và khó được cây hấp thụ. Đây cũng là lý do vì sao những hồ pH thấp thường bị rêu hại liên quan trực tiếp đến vi lượng như Rêu Chùm Đen (kết hợp thêm hệ vi sinh yếu khi pH thấp nữa), thêm vào đó hồ có pH thấp thường hay bị hiện tượng lá già của cây bị vàng (thiếu N) hoặc thủng lỗ (thiếu K), hoặc rất dễ bị rêu đốm xanh (P yếu).
  • Về NH3/NH4 (Amoniac và Amonium), cả 2 đều là thức ăn cho cây nhưng khác biệt là NH3 là chất cực độc. Khi NH3 ở môi trường có hệ pH từ 7 trở lên thì nó sẽ là chất độc, nhưng ở pH dưới 7 thì nó sẽ tồn tại ở dạng NH4 (không còn độc).
  • Những hồ thủy sinh có pH cao hơn 7.5 thì CO2 sẽ rất khó hòa tan.
  • Một số loại cây (như họ Tonia) thì không thể sống ở pH trên 7, và đa số các loại cây thủy sinh có thể sống tốt ở pH từ 5 – 7.

Từ 2 mối liên hệ trên chúng ta suy ra rằng: Nếu để ở pH dưới 7, nhưng không quá thấp dưới 6 thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết, đa số các cây thủy sinh sống tốt, vi sinh không quá yếu, vi lượng không quá mạnh, NH3 không độc, N – P – K không quá thiếu, CO2 dễ hoạt động.

Cây bị rêu đốm xanh do chất lân trong hồ yếu

KẾT LUẬN: Nếu hồ thủy sinh không quá chú trọng về cá tép hay những loại cây thủy sinh đặc biệt thì nên để độ pH của hồ ở mức 6 – 6.5. (Đây là mức lý tưởng cho các hồ trồng cây, rêu, bucep, dương xỉ…chứ không phải là mức hoàn hảo cho toàn bộ các hồ thủy sinh, các bạn đừng nhầm lẫn nhé).

2. Cách điều chỉnh độ pH của hồ thủy sinh hiệu quả và an toàn

Ở phần trên, chúng ta đã biết rằng độ pH lý tưởng cho hồ thủy sinh là từ 6 – 6.5, tuy nhiên nguồn nước đầu vào của hồ sẽ có độ pH khác nhau và có thể sẽ nằm ngoài mức an toàn này. Vậy làm thế nào để tăng hoặc giảm độ pH một cách dễ dàng và an toàn, không ảnh hưởng đến các thông số quan trọng khác của nước?

2.1. Cách giảm độ pH trong hồ thủy sinh

Đầu tiên, và quan trọng nhất là phải LOẠI BỎ NHỮNG TÁC NHÂN gây tăng pH trong hồ trước. Nếu bạn cứ tìm cách giảm pH mà quên rằng 1 số thứ trong hồ có thể làm tăng pH lại thì mọi việc đều tốn công vô ích. Nhiều người đã thử nghiệm rất nhiều lần bằng nhiều cách, trong đó có cách dùng acid cực mạnh để giảm pH, nhưng chỉ sau vài giờ cho đến một ngày thì độ pH lại tăng cao như lúc đầu.

Những thứ có thể làm độ pH của bạn tăng cao:

  • San hô (tan Canxi, Mg và HCO3, luôn làm tăng pH và làm cứng nước – tăng gH)
  • Sỏi 3 màu có lẫn vỏ ốc nhỏ: giống san hô
  • Cát muối tiêu (nó chính là san hô, vỏ ốc xay nhuyễn)
  • 1 số loại đá màu trắng như đá tai mèo, đá kẹp kem…

Các bạn nên lấy hết những thứ trên ra khỏi hồ thủy sinh của mình nếu có ý định giảm pH như mong muốn.

Hồ thủy sinh trang trí nhiều đá sẽ khiến độ pH tăng cao

Sau khi đã loại bỏ được những chất làm tăng pH trong hồ, các bạn có thể dùng 1 trong những cách sau để hạ pH theo ý muốn:

  • Cung cấp CO2 dạng khí nén, cách này vừa dễ vừa có lợi cho cây thủy sinh và cả sự cân bằng trong hồ. Bạn chỉ cần dùng khí CO2 làm giảm độ pH từ 0.7 đến 1 độ pH là an toàn và đã đảm bảo đầy đủ khí CO2 cho cây. Cách làm là đo độ pH của hồ trước khi có khí CO2 rồi ghi lại kết quả làm mốc, sau đó bắt đầu cho CO2 vào hồ và cứ 30 phút đo lại pH 1 lần, khi nào nó thấp hơn mức khi chưa có CO2 khoảng 1 độ là OK.
  • Dùng một số acid an toàn như: Ascorbic acid (vitamin C), Acid nitric (HNO3), Acid Citric, hoặc Acid Phốt pho ríc (H3PO4 – chuyên hạ pH cho hồ cá dĩa)…Cách làm là lấy vài mililit acid trên, pha loãng vào ca nước rồi cho vào hồ, sau 5 – 10 phút thì đo lại pH hồ bằng bút đo pH xem giảm được bao nhiêu độ pH sau đó tự canh chỉnh cho từng hồ (Ví dụ: Hồ 300 lít cần dùng đến khoảng 10ml HNO3 để hạ 1 độ pH). Lưu ý là 1 số acid trên tuy nhẹ nhưng vẫn phải cẩn thận khi dùng, không hít, chạm vào, và nên cất chổ nào an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em…
  • Các bạn có thể mua peat moss (rêu bùn) cho vào lọc, nhớ ngâm nước hoặc luộc sơ qua cho hết màu, nhưng cách này có tác dụng chậm. Một số vật liệu học có peat moss này cũng có tác dụng tương tự.
  • Sử dụng vật liệu lọc Neo Media SOFT. Đây là loại vật liệu lọc cao cấp và có tính acid nhẹ nên có thể làm giảm độ pH trong hồ.

2.2. Cách tăng độ pH trong hồ thủy sinh

Lưu ý là KHÔNG NÊN DÙNG SAN HÔ để tăng pH cho hồ thủy sinh, vì san hô ngoài việc tan HCO3 làm tăng KH, pH, nó còn tan luôn Ca và Mg làm tăng luôn độ cứng (GH) của nước, làm TDS tăng lên rất cao và khó kiểm soát.

  • Cách an toàn hơn để tăng pH mà không ảnh hưởng đến độ cứng nước là dùng bột baking soda (NaHCO3) có thể mua dễ dàng ở tiệm thuốc tây, giá cũng khá rẻ chỉ vài chục ngàn dùng được rất lâu. Công thức là bạn dùng 8 – 9 gram baking soda này pha loãng ra vào 1 ly nước rồi đổ thẳng vào hồ, có thể tăng 1 độ pH cho hồ 100 lít nước (và tăng thêm 25 – 50 TDS)
  • Sục khí Oxy có tác dụng loại trừ CO2 trong nước và làm tăng pH nhẹ.
  • Có thể dùng một số hóa chất mang tính kiềm để tăng pH nhưng tốt nhất là dùng baking soda như trên cho an toàn và dễ dàng.
  • Sử dụng vật liệu lọc Neo Media HARD. Đây là loại vật liệu lọc cao cấp và có tính kiềm nhẹ nên có thể làm tăng độ pH trong hồ.

KẾT LUẬN: Nếu hồ thủy sinh của bạn đang ổn định thì không nên quá lo về pH. Nên tăng giảm pH một cách từ từ, tránh thay đổi quá nhanh gây shock cho động thực vật thủy sinh.

Baking soda làm tăng độ pH, peat moss làm giảm độ pH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *