Phong Cách Iwagumi – Nghệ Thuật Xếp Đá Trong Hồ Thủy Sinh

Nghệ thuật xếp đá Iwagumi trong thủy sinh bắt nguồn từ Nhật Bản cách đây khoảng 30 năm, được ngài Takashi Amano dày công nghiên cứu và đưa nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới. “Iwagumi​” theo tiếng Nhật có nghĩa là “xếp đá”, bạn có thể hiểu đơn giản là ghép đá lại tạo nên bố cục Iwagumi. Nhưng không phải cứ ghép đá lại là đã tạo được một bể thủy sinh mang đúng phong cách Iwagumi, mà có những quy tắc chung bạn phải tuân theo để đạt được sự chuẩn mực nhất định.

1. Những nguyên tắc cơ bản của phong cách Iwagumi

1.1. Lựa chọn đá và sắp xếp layout

Phong cách Iwagumi đề cập đến kiến ​​trúc đá, xác định chính xác vị trí và các góc cạnh của từng viên đá trong thiết kế. Về cơ bản, mỗi viên đá trong bố cục Iwagumi đều là một phần không thể thiếu của cấu trúc tổng thể. Theo truyền thống, sẽ có tối thiểu ba viên đá trong một bể Iwagumi, tuy nhiên, bạn có thể tăng giảm số lượng đá để xây dựng nên một bố cục ưng ý.

Sử dụng số đá lẻ trong phong cách Iwagumi: Điều này sẽ giúp Iwagumi phá bỏ đi thứ gọi là không tự nhiên, vì số chẵn sẽ ​tạo đối xứng và cân bằng mà trong môi trường tự nhiên là không phổ biến, số chẵn thường là bằng chứng về sự tham gia của con người. Sử dụng một số đá lẻ ngăn cản mắt người tách thiết kế xuống giữa và tạo ra sự đối xứng không tự nhiên.

Trong một bố cục Iwagumi, bạn phải luôn sử dụng đá khác nhau về kích thước, chi tiết, hoa văn, hình dáng, độ lồi lõm, nhưng chúng phải thuộc về cùng một loại đá, cùng màu. Điều này bổ sung thêm tính liên tục và hài hòa cho bố cục. Khi sắp đặt thành bố cục, các viên đá sẽ trở thành một bộ thống nhất mà vẫn duy trì đặc điểm riêng của mình.

Một trong những vấn đề khó khăn của nghệ thuật sắp đặt Iwagumi là đạt được sự cân bằng về bố cục. Nhiều người tuân thủ “tỷ lệ vàng” mà nó chia các chiều ngang, dọc và sâu thành ba phần đều nhau. Tiêu điểm nằm ở nơi các đường ngang và dọc giao nhau. Hãy đặt đá và cây vào những nơi đó để nhấn mạnh trọng tâm của bố cục Iwagumi.

Đáy nền khơi nguồn cho dòng thị giác của người quan sát. Với bố cục Iwagumi, nền phải có kết cấu và quanh co để dẫn mắt lưu chuyển qua mọi vị trí của bố cục. Một đáy nền được bố trí tốt cũng tạo ra ảo giác về chiều sâu. Nền dốc thoai thoải từ trước ra sau là cách tốt nhất để tạo ra chiều sâu. Bạn cũng có thể bố trí nền một bên hơi cao hơn bên kia. Mỗi nguyên tắc đều bổ sung thêm tính cách và chiều sâu vào một thiết kế tưởng chừng như rất đơn giản.

phong cách iwagumi nghệ thuật xếp đá trong hồ thủy sinh - 1

Số đá lẻ là đặc trưng của phong cách Iwagumi

Sắp xếp bố cục Iwagumi: Mỗi viên đá trong bố cục Iwagumi đều có một tên gọi và vai trò cụ thể trong thiết kế tổng thể:

  • OYAISHI: Các bạn đặc biệt lưu ý đến viên này, đây viên đá lớn nhất trong bố cục và là viên trọng tâm, mọi vẻ đẹp của Iwagumi toát lên 80% nằm ở viên này. ​Việc lựa chọn viên trọng tâm phải thật kỹ lưỡng, ngoài kiểu dáng, kích thước, góc cạnh thì việc đặt chiều hướng cho viên này cũng đòi hỏi nguyên tắc khắc dòng: thường hay đặt góc 45 độ so với đáy hồ, chính diện hoặc 1/3 bể, hướng đá ngược dòng chảy như nhô ra từ vách núi ngược dòng với con sông.
  • FUKUISHI: Đây là viên đá lớn thứ 2 trong bố cục, sau khi định vị viên chính, viên thứ 2 sẽ là viên bổ trợ cho viên chính, có thể đặt bên trái hay bên phải, nhưng phải theo nguyên tắc khắc dòng: nếu viên chính xoay hướng nào, thì viên thứ 2 này các bạn xoay hướng ngược lại, nhớ là phải thấp hơn viên chính, bởi lẽ trong tự nhiên, sự lệch pha là thường thấy, càng lệch pha càng tạo cảm giác tự nhiên.
  • SOEISHI: Đây là những viên đá xếp hạng thứ 3, bạn có thể sử dụng số đá tùy biến, có thể 1 – 5 viên hạng này với mục đích tôn vinh vẻ đẹp của 2 viên trên, làm nền, hài hòa tổng thể.
  • SUTEISHI: Đây là những viên đá nhỏ còn lại trong bố cục, được điểm vào những vị trí trống, cây cối thường bao phủ lên chúng, vì vậy Suteishi thường được gọi là đá hiến tế. Tuy không phải nhân vật chính trong bố cục, nhưng chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng phần còn lại của thiết kế.

phong cách iwagumi nghệ thuật xếp đá trong hố thủy sinh - 2

Tên gọi của các tầng đá trong phong cách Iwagumi

1.2. Chọn cây thủy sinh thích hợp cho bể Iwagumi

Nghệ thuật xếp đá Iwagumi phải tạo ra một cảm giác bình yên và mộc mạc, do đó số lượng loài cây thủy sinh phải hạn chế để có thể tạo nên một thiết kế “tĩnh”. Đá là trọng tâm của phong cách Iwagumi, vì vậy hãy sử dụng cây sao cho chúng không che khuất đá mà còn hỗ trợ cho bố cục.

Mỗi bố cục thường chỉ trồng một loài cây thủy sinh tiền cảnh duy nhất chẳng hạn như trân châu Nhật, trân châu ngọc trai hay trân châu Cu Ba là những lựa chọn phổ biến nhất, hoặc có thể sử dụng minifiss, cỏ ngưu mao chiên, cỏ giấy, rau má hương cũng tạo nên phong cách Iwagumi rất ấn tượng. Hậu cảnh cũng chỉ gồm một loài thủy sinh duy nhất tùy thuộc vào quan điểm và cảm giác của bạn.

phong cách iwagumi nghệ thuật xếp đá trong hồ thủy sinh - 3

Bể Iwagumi với trân châu Nhật và cỏ ngưu mao chiên

1.3. Chọn loại cá hài hòa với phong cách Iwagumi

Sự xuất hiện của cá thể hiện tính “động” bù trừ cho cái “tĩnh” của bố cục Iwagumi. Khi lựa chọn cá, bạn cần nhấn mạnh đến sự đơn giản, hài hòa và hợp nhất giữa quần thể cá với bố cục. Thả quá nhiều loài có thể gây ra chuyển động bất đồng bộ và hỗn loạn làm ảnh hưởng đến bố cục.

Thay vào đó, nên thả bầy cá với một loài duy nhất nhằm tạo ra chuyển động liên tục và viên mãn cho bố cục. Những loài thường được sử dụng nhất là neon vua, cá sóc đầu đỏ, cá trâm hay cá tam giác,…chúng có kích thước nhỏ và bơi theo đàn. Điều quan trọng là thả cá “bơi thành đàn” chứ không phải cứ nhiều cá là được. Điều này sẽ góp phần duy trì một cảnh quan thanh bình.

Loài tép Amano (Yamato) thường được thả trong hồ thủy sinh và thực hiện nhiệm vụ vệ sinh một cách tuyệt vời mà không làm ảnh hưởng đến bố cục. Kích thước nhỏ bé và màu sắc trong suốt khiến chúng hoàn toàn hòa nhập vào cây thủy sinh. Những loài tép khác có thể ảnh hưởng đến bố cục nếu chúng quá nổi bật hay quá nhiều.

phong cách iwagumi nghệ thuật xếp đá trong hồ thủy sinh - 4

Đàn cá neon vua tô điểm thêm sinh động cho bể Iwagumi

2. Cách chăm sóc bể thủy sinh phong cách Iwagumi

Nhận định sai lầm chung đó là hồ thủy sinh phong cách Iwagumi dễ chăm sóc vì bề ngoài đơn giản của nó. Trên thực tế, nó khó chăm sóc hơn vì chỉ có các loài cây vốn đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Những cây được đề cập ở trên là những loài chủ yếu lấy chất dinh dưỡng từ rễ, vì vậy chỉ nên châm phân nước ở mức độ vừa phải. Điều quan trọng là đáy nền phải giàu dưỡng chất để giúp chúng phát triển mạnh khỏe. Nhiều người xem nhẹ sự quan trọng của nền giàu dưỡng chất, và có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe của cây về sau khi bố cục đã hoàn tất.

Có một thách thức nữa là thường các cây thủy sinh trong phong cách Iwagumi là loại trải nền yêu cầu CO2 nhiều, ánh sáng cao và nhiều dinh dưỡng nên người chơi cần lưu ý đặc biệt các yếu tố này khi chăm sóc cây. Thảm cây bên dưới bắt đầu mọc ra thì nên cắt tỉa mỗi tháng một lần hoặc khi cần thiết.

Ngoài ra, nên thay nước hàng ngày trong hai tuần đầu. Kính hồ cá nên làm sạch mỗi tuần và bộ lọc nền được làm sạch một lần trong một tháng. Khi thời hai tuần đầu trôi qua, thì nên thay nước mỗi tuần một lần.

phong cách iwagumi nghệ thuật xếp đá trong hồ thủy sinh - 5

Nên cắt tỉa khi thảm cây bắt đầu mọc dài ra

Phong cách Iwagumi được coi là một trong những phong cách sắp đặt hấp dẫn nhất, thể hiện sự sang trọng và vẻ đẹp trong nghệ thuật thiết kế bể thủy sinh. Nghệ thuật xếp đá Iwagumi cũng mang tính chất dứt khoát và đa dạng so với các phong cách phổ biến khác.

Thủy Sinh Ylang hy vọng rằng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn đã sẵn sàng thử sức mình với một hồ thủy sinh phong cách Iwagumi mang đậm tính cách và dấu ấn riêng biệt của bản thân. Chúc các bạn luôn có những bể thủy sinh ưng ý nhất!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *